Transshipment là gì? Chuyển tải và quá cảnh khác biệt như thế nào?
Trong thương mại quốc tế, không phải lúc nào cũng có những tuyến vận chuyển trực tiếp từ địa điểm này đến địa điểm khác. Vì vậy, Transshipment ra đời như một nhu cầu tất yếu, giúp giải quyết vấn đề này một cách tối ưu nhất.
Cụ thể, Transshipment là gì? Tại sao xuất nhập khẩu hàng hóa quốc tế cần đến các phương thức nay? Hãy cùng An Tín Logistics tìm hiểu ngay sau đây nhé!
Xem nhanh
Transshipment là gì?
Transshipment – Chuyển tải hay trung chuyển, là việc thay đổi phương tiện chở hàng trong quá trình vận chuyển. Hiểu đơn giản là lô hàng của chúng ta sẽ được dỡ từ phương tiện vận chuyển này sang phương tiện vận chuyển khác để tiếp tục hành trình đến cảng đích.
Đây là phương án phổ biến trong vận tải biển, dành cho các tuyến vận tải không trực tiếp từ cảng khởi hành đến cảng đích. Nó cho phép kết hợp sử dụng giữa tàu lớn và tàu nhỏ hơn. Từ đó tối ưu được quá trình chuyển hàng, tăng hiệu suất và giảm bớt chi phí.
Trung chuyển hàng có thể được thực hiện tại cảng (cảng trung chuyển) hoặc các khu vực cụ thể trên đường đi của tàu biển. Do đó, quá trình này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên, bao gồm hãng tàu, đơn vị quản lý cảng, các đơn vị liên quan khác. Tất cả nhằm đảm bảo cho quá trình vận chuyển được diễn ra an toàn, hiệu quả và nhanh chóng.
Tại sao hàng hóa cần chuyển tải?
Như đã nói ở trên, Transshipment ra đời giúp giải quyết vấn đề khi hàng hóa không thể được vận chuyển theo một tuyến đường thẳng từ cảng xuất phát đến cảng đích. Thực tế là có rất nhiều tuyến đường như vậy.
Chẳng hạn như không có tuyến vận tải biển trực tiếp từ Việt Nam đến Nam Phi và ngược lại. Đối với những ai thường xuyên phải xuất nhập khẩu hàng sang Nam Phi bằng đường thủy chắc hẳn không còn xa lạ với việc phải trung chuyển hàng hóa ở cảng Singapore. Tại đây, hàng hóa của chúng ta sẽ được bốc dỡ để chuyển sang một con tàu khác và tiếp tục hành trình đến Nam Phi.
Có thể nói, việc chuyển tải cho phép kết hợp các tuyến đường khác nhau để tối đa hiệu quả vận chuyển, hạn chế các rào cản địa lý và hạ tầng. Nó cũng giúp mở rộng phạm vi vận chuyển, tạo ra nhiều lộ trình kết hợp trong trường hợp không có tuyến đường trực tiếp, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa ngày càng tăng như hiện nay.
Các hình thức chuyển tải phổ biến
Sau đây là 5 hình thức chuyển tải phổ biến nhất trong thương mại quốc tế:
1. Chuyển tải qua cảng biển
Trung chuyển hàng qua các cảng biển đóng vai trò rất quan trọng trong giao thương với đối tác nước ngoài. Nhờ sự linh hoạt trong kết nối vận tải này mà tối ưu được các tuyến vận chuyển, hàng hóa được lưu thông một cách nhanh chóng và hiệu quả.
2. Trung chuyển tại sân bay
Đây là phương thức phổ biến trong vận tải hàng không. Cũng giống như đường biển, hàng sẽ được xếp dỡ và chuyển từ máy bay này sang máy bay khác tại sân bay trung chuyển để tiếp tục hành chính đến địa điểm cuối cùng.
3. Chuyển tải qua cụm cảng nội địa
Để tách và phân phối hàng một cách hiệu quả, hàng hóa sẽ được chuyển tải qua các cụm cảng nội địa trước khi đến cảng đích. Điều này góp phần giảm thời gian cũng như các chi phí liên quan đến cảng biển.
4. Chuyển tại qua trung tâm phân phối
Trung tâm phân phối là nơi tập kết hàng hóa từ nhiều nguồn. Tại đây, hàng hóa sẽ được phân phối lại để đến nhiều đích khác nhau. Quá trình này giúp giảm thời gian giao nhận và tạo sự linh hoạt trong kết nối.
5. Trung chuyển qua đường bộ hoặc đường sông
Với những hàng hóa không phù hợp để vận chuyển bằng đường hàng không và đường biển thì chúng ta có thể lựa chọn phương thức đường bộ hoặc đường sông. Cũng giống như các hình thức trên, về bản chất vẫn là sự chuyển giao hàng hóa từ phương tiện này sang phương tiện khác.
Phân biệt sự khác nhau giữa trung chuyển và quá cảnh
Quá cảnh là việc hàng hóa từ quốc gia xuất khẩu phải thông qua đất liền của một quốc gia khác trước khi đến với địa điểm đích (quốc gia nhập khẩu). Tình huống này xảy ra khi một quốc gia không có đường bờ biển để trực tiếp nhận hàng hóa. Do đó, họ phải sử dụng cảng biển của quốc gia khác để xuất nhập khẩu hàng hóa của mình.
Ví dụ: Hàng hóa xuất nhập khẩu vào Lào bằng đường biển sẽ phải quá cảnh qua lãnh thổ Việt nam. Theo đó, hàng được dỡ từ tàu biển tại cảng sau dó vận chuyển bằng đường bộ qua cửa khẩu quốc tế để sang nước bạn Lào.
Hầu hết các trường hợp quá cảnh sẽ liên quan đến việc chuyển sang một phương tiện vận chuyển khác, chẳng hạn như từ tàu biển sang đường sắt hoặc xe tải.
Bên cạnh đó, khái niệm về Transshipment là quá trình chuyển hàng từ phương tiện này sang phương tiện khác nhưng cùng phương thức. Tức là cùng tàu biển, cùng đường sắt hoặc cùng là máy bay.
Cảng chuyển tải là gì?
Nói đến Transshipment thì chúng ta không thể không nhắc đến cảng chuyển tải. Cảng chuyển tải được gọi là “via”, nghĩa là “đi qua”. Ví dụ, “via China” có nghĩa là chuyển tải tại Trung Quốc. Ngược lại, nếu tuyến đường vận chuyển đi thằng (hàng đi từ cảng xếp đến cảng đích chỉ trên 1 con tàu) thì được gọi là “direct”.
Cảng trung chuyển là cảng chính nằm trên các tuyến vận tải huyết mạch. Một số cảng trung chuyển nổi tiếng trên thế giới có thể kể đến như các cảng tại Singapore, Hong Kong, Shanghai, cảng Rotterdam, cảng New York hay cảng Long Beach.
Đặc điểm của các cảng chuyển tải:
- Vị trí địa lý: Cảng trung chuyển thường nằm gần tuyến đường vận tải chính để thuận lợi cho việc xếp dỡ hàng hóa. Vị trí của nó không chỉ là điểm kết nối giữa các tuyến vận chuyển mà còn phải thuận lợi cho việc neo đậu các phương tiện.
- Là vị trí trung gian giữa tàu mẹ và tàu con: Rất rõ ràng, nó có vai trò quan trọng giúp tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc chuyển hàng từ tàu mẹ sang tàu con và ngược lại.
- Là địa điểm kết nối hàng hóa nội địa: Hàng hóa nội địa sẽ được tập kết tại đây và từ đó được vận chuyển ra quốc tế.
- Cơ sở hạ tầng: Các cảng có độ sâu thường lớn hơn 13.5 m để tàu có thể cập bến. Ngoài ra, cảng cần phải có bãi đất rộng để tập kết hàng và lưu trữ container. Hầu hết cơ sở hạ tầng, giao thông kết nối đều được đầu tư mạnh.
- Cách thức vận hành: Các cảng chuyển tải thường cố gắng đảm bảo chi phí vận hành thấp nhưng đạt năng suất cao nhất.
Lời kết
Có thể thấy rằng, việc vận chuyển sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều nếu không có các phương thức chuyển tải. Với bài viết tổng hợp các vấn đề liên quan đến Transshipment là gì trên đây, chắc hẳn, bạn đọc đã có thêm những thông tin bổ ích. Chúc các bạn vui vẻ!