GRI là phí gì? GRI có ảnh hưởng như thế nào trong xuất nhập khẩu?
Trong tình hình nền kinh tế thế giới đang có nhiều biến động như hiện nay, thuật ngữ phí GRI được nhắc đến khá nhiều. Vậy, GRI là phí gì? Nó ảnh hưởng như thế nào đến quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa? Mời bạn đọc cùng An Tín Logistics tìm hiểu về loại phụ phí này ở bài viết dưới đây.
Xem nhanh
GRI là phí gì?
GRI là viết tắt của General Rate Increase, dịch sang tiếng Việt nghĩa là phụ phí cước vận chuyển tăng. Cụ thể GRI là khoản tiền thu thêm cùng cước vận chuyển trên tất cả hoặc ở một số tuyến vận tải nhất định. Thông thường, phụ phí GRI sẽ được thu vào những đợt vận chuyển cao điểm trong năm.
Các hãng tàu sẽ dựa trên cơ sở cung – cầu thực tế để quyết định mức phí tăng cước vận tải là bao nhiêu. Hiện nay, để đảm bảo cho sự minh bạch, các hãng tàu đều phải thông báo chi tiết về việc điều chỉnh giá cược.
Các thông tin sẽ được công khai trên website để khách hàng tiện theo dõi và chủ động trong việc xác định lại giá trị lô hàng.
Trên thực tế, GRI thường được quy định rõ ràng trong điều khoản của hợp đồng vận chuyển. Phần phụ phí này có thể được áp dụng trên toàn bộ hoặc một phần lô hàng.
Các hình thức GRI phổ biến hiện nay
Dưới đây là một số hình thức phổ biến của phụ phí GRI trong logistics:
- General Rate Increase (GRI): Là hình thức phổ biến nhất trong vận chuyển hàng quốc tế. Nó được áp dụng cho tất cả các tuyến vận chuyển và tất cả các chủng loại hàng hóa.
- Equipment Shortage GRI: Hình thức này được áp dụng khi tình trạng thiếu hụt thiết bị vận chuyển, chẳng hạn như thiếu container hay tàu hàng. Khi đó, để hạn chế bớt số lượng khách hàng, các hãng tàu có thể sẽ áp dụng phụ phí GRI.
- Peak Season GRI: Được áp dụng trong đợt cao điểm vận chuyển, thường là vào các mùa mua sắm tăng cao, dịp lễ hội. Hình thức này có thể kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định hoặc áp dụng trong 1 ngày cụ thể.
- Lane GRI: Là hình thức áp dụng cho 1 tuyến vận chuyển hàng cụ thể. Mức phụ phí có thể khác nhau phụ thuộc vào nhu cầu và điều kiện đặc biệt của tuyến đường đó.
Lý do các hãng tàu áp dụng thu phí GRI là gì?
Một số chủ hàng hóa ít vận chuyển vào đợt cao điểm đôi khi sẽ cảm thấy bất ngờ khi hãng tàu đột ngột tăng mức cước phí. Tuy nhiên, điều này thực chất không phải hiếm trong vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu.
Nguyên nhân chính khiến các hãng tàu áp dụng phụ phí GRI chính là do biến động thị trường và cung – cầu thực tế tại thời điểm đó. Họ cũng dựa trên 2 yếu tố này để quyết định mức phụ phí GRI. Thị trường biến động càng nhiều thì mức phí tăng lên càng cao và ngược lại.
Ngoài ra còn một số lý do khác như chính sách và quy định của mỗi quốc gia, các yếu tố cấu thành chi phí vận chuyển tăng (nhiên liệu, công cụ, thiết bị, lao động) và sự biến động của tỷ giá.
Các hãng tàu cũng phải có kế hoạch và thông báo cụ thể cho việc điều chỉnh tăng giá cược. Ví dụ như tại Mỹ, chính phủ đã ban hành bộ quy tắc liên bang Hoa Kỳ. Trong đó nêu rõ, việc áp dụng phụ phí GRI phải được thông báo với FMC – Ủy ban hàng hải liên bang trước 30 ngày.
Ngoài ra, các hãng tàu không được phép tăng phụ phí này cao hơn mức đã báo với FMC.
Những ảnh hưởng của phụ phí GRI đến người mua và người bán
Một điều logic rằng, cước phí vận chuyển tăng sẽ dẫn đến giá trị lô hàng xuất nhập khẩu bị thay đổi, ảnh hưởng trực tiếp đến người mua và người bán. Cụ thể:
1. Các bên phải đàm phán lại giá
Trong trường hợp mức phí GRI không đáng kể, các bên có thể thỏa thuận về việc giữ nguyên giá trị lô hàng và thống nhất xem ai sẽ là người chịu khoản phụ phí này.
Tuy nhiên, nếu GRI cao, người mua và người bán sẽ phải làm việc lại với nhau để tối ưu giá cả. Đồng thời, thêm các điều khoản cần thiết trong hợp đồng sao cho bù đắp việc tăng cước phí vận chuyển.
2. Chủ hàng phải thanh toán thêm một khoản phí phát sinh
Bạn vẫn phải trả phụ phí GRI ngay cả khi đã book xong chỗ trên tàu. Ví dụ, hàng hóa book ngày 20/02 với giá cố định và dự kiến được đưa lên tàu ngày 03/03.
Tuy nhiên, vào ngày 01/03, hãng tàu áp dụng thêm phụ phí GRI. Khi đó, bạn vẫn phải thanh toán thêm khoản phí này mặc dù đã book chỗ trước.
3. GRI có thể gây ra những hiểu lầm
Đối với những khách hàng không hiểu nhiều về ngành vận chuyển thì việc nhận được thông báo nộp thêm tiền phí rất dễ gây ra hiểu lầm rằng, hãng tàu đang muốn có thêm lợi nhuận. Và vì vậy, một số ít trường hợp khách hàng đã cố tình từ chối thanh toán khoản phụ phí này hoặc đòi hỏi giảm giá từ phía forwarder.
4. Rủi ro phải chịu bồi thường và nguy cơ mất khách
Những công ty logistics lớn sẽ có khả năng đàm phán với hãng tàu và khách hàng khi xảy ra trường hợp cước vận chuyển bị tăng lên đột ngột.
Tuy nhiên một số doanh nghiệp nhỏ lại ít lợi thế hơn trong việc đàm phán. Do đó, nhiều tình huống họ phải chịu tiền bồi thường đồng thời có nguy cơ mất khách hàng.
Làm cách nào để hạn chế tác động tiêu cực từ phí GRI?
Mặc dù mang lại lợi nhuận cho các hãng tàu nhưng phí GRI lại ảnh hưởng tiêu cực đến khách hàng của họ. Vì vậy, để hạn chế các tác động tiêu cực từ phụ phí GRI, các doanh nghiệp forwarder và đơn vị xuất nhập khẩu cần lưu ý một số điều sau đây:
- Trước khi thông báo về phụ phí GRI có hiệu lực, hãy lên kế hoạch vận chuyển hàng.
- Phối hợp chặt chẽ với bên cung cấp hàng để lô hàng không bị trì hoãn. Trường hợp bị trì hoãn, tìm cách giảm tối đa các chi phí phát sinh trong thời gian này.
- Theo dõi tình hình lưu lượng xuất nhập khẩu hàng của các hãng tàu. Nếu lưu lượng vận chuyển hàng hóa xuống thấp, phí GRI có thể sẽ ngừng áp dụng. Chúng ta có thể chờ hãng tàu bỏ phí rồi mới tiếp tục xuất nhập khẩu hàng hóa.
- So sánh giá cũng như phụ phí GRI của nhiều hãng tàu khác nhau để có phương án vận chuyển phù hợp nhất. Điều này không có nghĩa là chúng ta lựa chọn nhà cung cấp có giá cước rẻ nhất, cần tính toán dựa trên nhiều yếu tố khác như thời gian vận chuyển, dịch vụ của từng hãng tàu…
Lời kết
Chắc hẳn, chủ hàng hóa đều không mong muốn phải trả thêm khoản phụ phí GRI. Tuy nhiên, nếu vận chuyển vào đợt cao điểm thì điều này là không thể tránh khỏi. Quan trọng là cách mà chúng ta hạn chế những tác động tiêu cực từ phụ phí này. Hi vọng, bài viết đã giúp bạn đọc hiểu GRI là phí gì? Chúc các bạn vui vẻ!